Mới đây, một loạt nhà sản xuất xi măng lớn như VICEM Bỉm Sơn, Bút Sơn, The Vissai, Xi măng Thành Thắng Group, Xi măng Xuân Thành… vừa đồng loạt công bố tăng giá bán sản phẩm nhằm bù đắp đà tăng của chi phí đầu vào.
Mức tăng giá trong đợt điều chỉnh này được các doanh nghiệp ấn định ở mức 50.000 đồng/tấn. Riêng The Vissai tăng 46.300 đồng/tấn.
Đại diện Công ty Cổ phần Xi măng Thành Thắng Group cho hay: “Giá điện vừa tăng thêm 4,8%, trong khi giá điện năng chiếm 14-15% giá vốn sản phẩm khiến cho giá thành sản xuất tăng cao, dù doanh nghiệp đã áp dụng nhiều giải pháp để cắt giảm chi phí, nâng cao năng suất như tận dụng nhiệt khí dư từ các dây chuyền nhưng vẫn chưa thể bù đắp được chi phí sản xuất”.
Việc tăng giá bán thêm 50.000 đồng/tấn sẽ phần nào giúp các nhà sản xuất xi măng đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh, duy trì chất lượng sản phẩm.
Theo phản ánh của các nhà sản xuất, theo Quyết định số 1046/QĐ-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ ngày 11/10/2024 giá điện sẽ tăng thêm 4,8% so với trước đây. Bên cạnh đó, trước bối cảnh các cuộc xung đột quân sự trên thế giới đang diễn ra căng thẳng khiến giá nguyên nhiên liệu đầu vào như than, dầu… biến động lớn, dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, xi măng không thể duy trì giá bán cũ.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết: “Các nhà sản xuất tăng giá bán xi măng là tất yếu, bởi cả mấy năm qua, xi măng đã bán dưới giá thành sản xuất rồi. Nếu không điều chỉnh giá bán để bù đắp phần nào chi phí đầu vào, doanh nghiệp không cầm cự nổi”.
Thực tế, Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2024 cả nước xuất khẩu gần 20,55 triệu tấn xi măng và clinker, thu về gần 788,8 triệu USD, giảm 3,2% về lượng và giảm 14,5% về kim ngạch so với 8 tháng đầu năm 2023. Giá xuất khẩu cũng giảm 11,6%, đạt trung bình 38,4 USD/tấn
Riêng tháng 8/2024 xuất khẩu xi măng và clinker giảm trên 7% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 7/2024 và giảm 0,18% về giá, đạt gần 2,33 triệu tấn, tương đương trên 90,13 triệu USD, giá trung bình 38,7 USD/tấn; so với tháng 8/2023 thì giảm 14,3% về lượng, giảm 22,5% về kim ngạch và giảm 9,5% về giá.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu xi măng clinker sang thị trường Philippines giảm 1,8% về lượng, giảm 13% về kim ngạch và giảm 11,4% về giá so với 8 tháng đầu năm 2023, là thị trường lớn nhất tiêu thụ xi măng clinker của Việt Nam, chiếm tới 26,1% trong tổng lượng và chiếm 27,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng và clinhker của cả nước, đạt trên 5,35 triệu tấn, tương đương 214,3 triệu USD, giá trung bình 40 USD/tấn.
Xi măng clinker xuất khẩu sang Bangladesh, thị trường lớn thứ 2 đạt 4,18 triệu tấn, trị giá 133,9 triệu USD, giá trung bình 32 USD/tấn (tăng 5,2% về lượng nhưng giảm 11,4% về kim ngạch và giảm 15,8% về giá); chiếm 20,4% trong tổng lượng và chiếm 17% trong tổng kim ngạch.
Tiếp theo đó là thị trường Đài Loan chiếm 4,8% trong tổng lượng và chiếm 4,5% trong tổng kim ngạch, đạt 994.735 tấn, tương đương 35,55 triệu USD, giá 35,7 USD/tấn (giảm 17,2% về lượng, giảm 24,5% về kim ngạch và giảm 8,9% về giá)
Chính từ sự giảm giá rõ rệt trên đưa tới tình trạng các doanh nghiệp xi măng đồng loạt báo lỗ. Sự can thiệp của nhà nước vào việc xuất khẩu clinker để dẫn tới việc trong những tháng cuối năm 2024, lượng xuất khẩu clinker sẽ giảm mạnh và tiếp tục trong dầu năm 2025. Chỉ khi thị trường có dấu hiệu khả quan hơn về mức giá thì tình trạng này mới có cơ hội thay đổi
Nguồn: Sưu tập
Elly Nguyen +84 369 980 010